HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ LÊN MIỀN TÂY BẮC XỨ NGHỆ
Chiều ngày 5/3/2023, tổ Ngữ văn dưới sự chỉ đạo của BGH trường THPT Cửa Lò đã tổ chức chuyến đi học tập thực tế đến Quỳ Châu - mạn ngược vùng rừng núi Tây Bắc Nghệ An. Đây là nơi không chỉ có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời mà còn nổi tiếng bởi những di tích danh thắng và những lễ hội mùa xuân như: Thăm Ồm, Tôn Thạt, Thăm Chạng, lễ tế thần ở đền Chiềng Ngam, lễ hội Hang Bua, lễ hội hang Có Ngụn và leo núi Phá Xăng, những làng Thái cổ…
Thiên nhiên đã ban tặng cho Quỳ Châu nhiều danh lam, thắng cảnh hùng vĩ và hữu tình như: rừng rậm, núi cao, sông sâu, thác lớn, hang động có nhiều thạch nhũ đẹp; cùng với mạng lưới sông, suối đan xen dày đặc, tưới mát cho những thung lũng phù sa màu mỡ. Chính trên mảnh đất này, hơn hai mươi vạn năm trước, những “người khôn ngoan” (Homosapiens) đầu tiên, biết chế tạo công cụ lao động đã cư ngụ ở đây - “Người Thăm Ồm”.
Ảnh Đoàn dừng chân tại Hang Bua
Đầu tiên, đoàn đặt chân tới Hang Bua nằm trên dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc hệ thống dãy Trường Sơn Bắc huyện Quỳ Châu – Nghệ An. Tên hang gọi theo tên bản nên có tên là hang Bua. Tiếng Thái gọi hang động là Thẳm, nên người dân còn gọi tên hang là Thẳm Bua. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thưở trời đất mới khai thiên lập địa, xưa kia ở đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái. Đây là nơi giao hòa, gặp gỡ của trời đất; là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng con người. Những huyền thoại về sự tích: Thần Núi (Phí – Nu –Phá – Hủng) và thần Nước (Phí – Nặm – Huồi – Hạ) giao tranh; chuyện tình Tạo Khủn – Tinh và nàng Ni…còn để lại dấu tích nơi hang Bua bằng các khối hình kỳ thú. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng xanh, xa xa là dòng sông Hiếu trong xanh hiền hòa. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, nơi tụ họp của muôn loài muông thú. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ, cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa Sen nên còn gọi là “Boọc Bua”. Vào trong hang du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú với những gì hiện ra trước mắt: Hang Bua rộng có thể chứa được hàng trăm người bên trong nhảy múa hát hò. Vào sâu trong hang du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người, đến những dụng cụ thông thường nhất của người dân như bó lúa, cái liềm… Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo đế không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền. Nhưng sức người có hạn, tất cả đều đã hóa đá, vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa: ông già thối sáo, bộ cồng chiêng, thửa ruộng hình bậc thang, những cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng…
Tiếp đến, đoàn đã đi đến ngôi đền thiêng Mường Chiềng Ngam - nơi thờ 3 vị Thành hoàng Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông đã có công khai lập bản mường.
Ảnh đoàn dừng chân tại đền Mường Chiềng Ngam
Buổi tối, đoàn đến nghỉ tại Home stay Nhà sàn Từ Tâm. Đây là một trong những ngôi nhà sàn đẹp của Hoa Tiến đã phát triển thành điểm du lịch cộng đồng. Nhìn từ cầu Châu Tiến qua cánh đồng Tả Chum (địa điểm giáp ranh giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong) sẽ thấy những nếp nhà sàn trầm mặc, nằm sát nhau tạo hình ô bàn cờ. Nhà sàn ở Hoa Tiến thường nằm ở lưng chừng núi và hướng mặt ra dòng sông Nậm Quàng; được thiết kế từ 3 đến 5 gian, trong đó gian ngoài cùng nằm sát cầu thang chính dùng để tiếp khách, uống rượu cần; các gian bên trong là nơi sinh hoạt của gia đình. Tầng dưới là nơi để nông cụ sản xuất, gỗ, củi... và tất nhiên không thể thiếu không gian rộng rãi nhất thoáng mát nhất dành cho khung cửi, dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của bà con dân bản nơi đây. Sau khi làm lễ buộc chỉ tay theo nghi thức của Người Thái đầy trang trọng, linh thiêng, cả đoàn được thưởng thức bữa ăn đầy hương vị miền núi huyện Quỳ Châu như: gà đồi, vịt bầu, thịt giàng, hò mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, thịt chua, canh môn, cơm lam, các món chẻo,….
Ảnh Bữa ăn tối của Đoàn có cô Xanh – Nghệ nhân tại Châu Tiến làm vía
Đêm lễ hội với các cô gái Thái thật tưng bừng, vui tươi bên tiếng trống, chiêng, vò rượu cần, điệu nhảy lăm vông, nhảy sạp. Các thầy cô cũng được hóa thân làm các chàng trai, cô gái Thái. Đoàn được giới thiệu và thưởng thức những điệu nhuôn, xuối, khắc luống, nhảy sạp đã gắn bó mật thiết, sâu đậm trong cuộc sống và tâm thức của mỗi người dân Quỳ Châu.
Ảnh tham gia giao lưu văn nghệ của Đoàn và các cô gái Thái
Các thế hệ người dân Quỳ Châu rất tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương mình. Trong quá trình khai phá, tạo lập, xây dựng, bảo vệ và phát triển bản làng, các cộng đồng cư dân Quỳ Châu, mà đa số là đồng bào dân tộc Thái, đã đúc kết nên những giá trị đặc sắc trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Những truyền thuyết, huyền thoại kể về một thời oanh liệt, hào hùng thuở “khai sơn, phá thạch” dựng bản, lập mường được nói đến trong những truyện thơ nổi tiếng như: “Lái lông mương”, “Lái Khủn Chưởng”; hay những cọn nước, nhà sàn; những bộ trang phục truyền thống, gắn với nghề dệt thêu thổ cẩm đẹp như tranh:
Ảnh Đoàn đến thăm làng Thổ Cẩm
Cạnh bên mỗi khung cửi là một gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm của gia đình. Phụ nữ bản Hoa Tiến khéo tay đến lạ. Những sản phẩm chân váy, khăn, thảm, túi xách, thắt lưng được thêu dệt với đường nét hoa văn tinh xảo được tạo nên hoàn toàn bằng thủ công, từ việc trồng dâu, nuôi tằm đến cả xe tơ, nhuộm chỉ... Được biết, từ lâu thổ cẩm Hoa Tiến được rất nhiều người ưa chuộng.
Chị Hương – chủ Homstay Bích Trang chia sẻ: Thổ cẩm của HTX đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Lào và cả Thái Lan. Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Hoa Tiến thể hiện rõ, đầy đủ, đậm đà bản sắc văn hóa người Thái và là một trong những niềm tự hào của vùng đất Quỳ Châu.
Ảnh của Đoàn trước Homsay Bích Trang
Tiếp đến đoàn được đặt chân đến những cánh đồng lúa xanh mướt đương thì con gái, bên những chú trâu thảnh thơi gặm cỏ, là hình ảnh những chiếc guồng nước mải miết quay ở phía xa. Đây được xem là những chiếc máy thủy lợi khổng lồ quanh năm tưới tắm cho đồng quê Châu Tiến êm đềm những mùa bội thu!
Những hình ảnh bên Cọn nước của các thầy cô đi trải nghiệm
Tóm lại, đến với một vùng đất còn lưu giữ nhiều vẻ hoang sơ và vô số danh lam thắng cảnh đẹp gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc của Quỳ Châu, các thầy cô trường THPT Cửa Lò đã thu nhận được nhiều giá trị và bài học quý báu từ đó sẽ góp phần dạy học hiệu quả chương trình giáo dục địa phương. Chuyến đi hứa hẹn nhiều hoạt động bổ ích, thú vị cho nội dung giáo dục về Tổ chức Làng, bản ở Nghệ An do các thầy cô giáo Ngữ văn phụ trách./.
Tác giả bài viết: Hà Thị Vinh Tâm