Một vài suy nghĩ về niềm vui nghề giáo
Khi những chùm hoa tràm thao thiết vàng rực cả một góc trời là lúc sang đông. Lòng người chợt bâng khuâng, xao xuyến nhiều hơn. Mỗi buổi sáng, ta bước đến trường với bao nỗi niềm của người “gieo chữ” và hy vọng “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Năm học mới đến với người nhà giáo thật đặc biệt. Mỗi ngày đến trường của mỗi thầy cô giáo cũng thế. Đúng như lời thơ của Nguyễn Vũ Tiềm:
Năm mới của chúng tôi
Không bắt đầu từ tháng giêng
Tháng chín gõ ba hồi chín tiếng
Cổng trường mở ra năm mới ùa vào
(…)
Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu
hồi trống gọi những niềm vui tới lớp
đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết
đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu!
(Thời gian của chúng tôi)
Mọi tất bật, lo toan cho cuộc sống đời thường được gác lại ngoài cổng trường. Niềm vui đầu tiên là gặp được học sinh. Dù học sinh học giỏi hay chưa thật giỏi nhưng các em là niềm cảm hứng, là nguồn vui để ta biết rằng công việc của chúng ta, vai trò của chúng ta có một vị trí quan trọng. Những ánh mắt trong veo, những nụ cười vô tư, những hành động tinh nghịch của các em chính là một phần trong cuộc sống của mỗi nhà giáo chúng ta. Có nghề nào, tự dưng đến lớp, ta đã có hàng chục em thơ đang mong ngóng và cần ta dạy bảo! Có nghề nào, mỗi ánh mắt, nụ cười, hành động của ta đều để thương để nhớ trong lòng học trò đến mấy chục năm sau khi ta gặp lại các em vẫn còn nhắc đến. Vui nhất khi bước vào cổng trường, ta được học sinh cúi đầu chào hỏi: “Em chào cô”, “ Em chào thầy”. Đó là những thanh âm trong trẻo, dịu dàng đầy trân trọng nhất đón chào ngày mới. Học trò yêu quý, ngưỡng mộ chúng ta. Thậm chí các em còn tin yêu, sẵn sàng chia sẻ với chúng ta nhiều điều tâm sự thầm kín, bí mật mà trên thế giới này chỉ có ta mới có quyền được biết. Mỗi giờ học được giao tiếp với các em học sinh là mỗi lần ta được giao tiếp với nhiều tâm hồn, nhiều bộ óc, nhiều tính cách khác nhau. Khi ta khơi dậy được ước mơ, khao khát của học trò, trao niềm tin thực sự cho các em và từ đó ta giúp cho học trò tiến bộ hơn, tốt hơn từng ngày, ta sẽ thấy cuộc đời thật mến yêu. Không có học sinh nào xấu và dốt, chỉ có điều ta chưa phát hiện và khơi gợi tiềm năng sẵn có của các em. Mỗi một cá thể đều có những thế mạnh về một loại thông minh nào đó: Trí thông minh về ngôn ngữ, trí thông minh về toán học và logic, trí thông minh về âm nhạc, trí thông minh về thị giác/không gian, trí thông minh vật lý/cơ thể , trí thông minh về tương tác, trí thông minh về nội tâm,... Khi ta nhận ra, ta sẽ khơi dậy được sự sáng tạo ở các em. Ồ thích thú vô cùng khi một cậu học trò mải chơi hay nói chuyện riêng trong lớp bỗng một ngày hỏi ta về những cuốn sách hay, nói cùng ta những dự định, hoài bão. Những sản phẩm mà các em học sinh làm cũng rất đáng yêu, ngộ nghĩnh và độc đáo. Nhờ các em, những câu chuyện, trò chơi, cách hỏi đáp trong giờ học,… trở nên sinh động, bài dạy của ta trở nên hấp dẫn. Cô trò cùng tạo nên một bầu khí quyển thân tình, gần gũi và thoải mái. Ai cũng được trải qua những giây phút vui vẻ và thú vị, ý nghĩa. Đó là điều tuyệt vời nhất khi ta bước chân tới lớp. Chính nhờ các em, giáo viên chúng ta có những giây phút thăng hoa trên bục giảng, chúng ta biết sáng tạo và đổi mới không ngừng. Rồi những giờ sinh hoạt lớp, bao nỗi niềm của các em, ta đuợc nhìn lại, được lắng nghe, được chia sẻ, được bảo ban. Không hiếm lúc, chúng làm cho ta bất ngờ, ngạc nhiên. Có lúc các em tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ nhưng đầm ấm dành riêng cho ta, có lúc bất chợt mở cánh cửa lớp mà bao yêu thương bỗng vỡ òa theo từng bước chân: “I love you! Yêu cô vô cùng và vô cùng xin lỗi cô”. Lũ chúng nó đấy, biết bày ra bao nhiêu trò làm cô “đốn tim”. Có buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của năm ngoái, bọn chúng kỳ công làm một video với bài hát: “Mình cùng nhau đóng băng” (Thùy Chi). Bao hình ảnh về những kỉ niệm ở trường lớp gắn liền với cô trò lần lượt hiện ra. Cô khóc hết nước mắt vì chúng mà cảm thấy ngượng ngùng (vì không hiểu sao nước mắt cứ tuôn ra không sao nén lại được trước mắt học trò). Đến khi nhìn xung quanh hóa ra chúng nó đều khóc, cô trò lại ôm nhau, chỉ ôm nhau hết đứa này đến đứa khác và chỉ khóc cùng nhau thôi mà không nói được điều gì. Nhớ những hành trình cô trò cùng quên ăn quên ngủ làm tập san, tập văn nghệ, làm thiệp, … rồi chọn loại bánh dân gian, chọn trang phục biểu diễn,… Cứ thế ta được hòa mình cùng các trò. Không tránh khỏi những lúc ta bực mình quát chúng te tua, nhưng chỉ bực được một lúc thôi, sau lại “ắm bà la” cô trò cứ ríu rít, trò chuyện cười đùa với nhau. Có lúc chúng mâu thuẫn với nhau buộc cô phải làm quan tòa phán xử, làm công tác tâm lý cho chúng từ ghét nhau sang quý nhau,… Ôi! lũ học trò luôn đặt cô vào những tình huống khó … Để sau mỗi lần đó, cô cũng khám phá được nhiều điều về bản thân… Thật thú vị các trò ạ!
Không chỉ có niềm vui, niềm hứng khởi, đôi lúc học trò cũng làm ta lo lắng, băn khoăn. Khi đang giảng say sưa, ánh mắt ta chợt dừng lại khi có một học trò ngồi trầm ngâm ở góc lớp hay có em bị đau tay, có em thì đang lơ đãng nhìn phía xa xôi ngoài khung cửa lớp. Rồi có em chưa học bài hay ghi bài còn chậm, còn cẩu thả, có em lên bảng còn run, chưa biết cách trình bày,… Chuyện gia đình, chuyện bạn bè,... có em còn hụt hẫng, mất niềm tin,… Những điều đó làm ta bận tâm, ta băn khoăn để tìm cách giúp các em vượt qua những ngưỡng khó khăn ấy… Đó cũng là hành trình giúp ta có thêm được nhiều niềm vui và được hoàn thiện mình hơn, sống tốt hơn!
Khi ta đi trên những chặng đường các em thường đi học vào những ngày mưa rét, chân lội xuống bùn, đường xá xa xôi, ta hiểu hơn nỗi vất vả gian truân khi các em bước tới trường. Khi đến gia đình các em, thấy gia cảnh nghèo khó, ta mới thấy thương học trò mình vô cùng. Những bàn tay đầy chai sạn của các bác phụ huynh lam lũ cầm tay cô giáo mà lắc lắc: “Cô ơi, cảm ơn cô nhiều lắm. Cha mẹ các cháu đội ơn cô”. Ta thấy lòng lắng lại, nghẹn ngào xúc động. Ta tự hứa với lòng mình: “Phải thấu hiểu, bao dung và yêu thương học sinh nhiều hơn nữa”.
Có một ngày ta đi đâu đó ở xứ lạ, bỗng nhiên có một ánh mắt, một nụ cười, một dáng hình quen thuộc và cả tiếng chào thân thương: “Em chào cô ạ, lâu rồi cô có khỏe không?”. Bao thương mến dồn về. Ta thấy mình thật hạnh phúc với nghề giáo. Có những em trưởng thành đã quay về để gặp ta, để chia sẻ với ta những thành công và cả những vấp váp các em trải qua. Ta được lắng nghe, được biết thêm về một cuộc đời mà có một thời gian dài gắn bó với mình. Thật trân quý biết bao! Niềm vui của nghề giáo chính là học sinh! Tôi yêu nghề giáo chính vì điều đó.
Và một nguồn vui nữa chính là từ đồng nghiệp. Những đồng nghiệp thân tình, gắn bó luôn động viên, giúp đỡ với nhau trên mọi chặng đường cuộc sống. Chuyện đời, chuyện nghề,… nhờ có đồng nghiệp tốt mà ta được chia sẻ, được học hỏi, được tôi rèn và trưởng thành. Những băn khoăn, trăn trở trên bục giảng, trong cuộc sống… nhờ có đồng nghiệp mà ta được tháo gỡ, có niềm tin để đi tiếp hành trình dạy học vất vả, gian truân.
Niềm vui của nghề giáo là có sự quan tâm của cả xã hội, cả đất nước. Nghề giáo được tôn vinh nhưng lại gánh trên vai những trọng trách nặng nề. Dẫu rằng vẫn còn bao chuyện phải lo nghĩ, phải trăn trở nhưng ta vẫn yêu nghề mình đã chọn một cách trọn vẹn. Bởi vì:
Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió màu mây
Con sông của mẹ đường cày của cha
Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!
(Lời ru của thầy- Đoàn Vị Thượng)
Với tình yêu nghề tha thiết chẳng có bậc thềm cuối đâu, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo và tỏa sáng cùng lịch sử, cùng bề dày truyền thống đầy tự hào của ngành Giáo dục Việt Nam./.
(Hà Thị Vinh Tâm- GV trường THPT Cửa Lò)