NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA HỌC SINH LỚP 12 KHI THAM GIA KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC
Hoàng Thị Thùy Dương – Học sinh lớp 12A1
Kính thưa thầy cô, Thưa các bạn đang có mặt tại hội trường ngày hôm nay!
Em là Hoàng Thị Thùy Dương, học sinh lớp 12A1. Bản thân em là một học sinh lớp 12. Như bao học sinh khác, em cũng đang nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu của bản thân trong năm học này. Dù em đã tìm hiểu, lập nên kế hoạch rõ ràng, cũng như nhận được sự quan tâm, săn sóc của thầy cô, nhà trường nhưng vẫn còn rất nhiều trăn trở, khó khăn trong việc học tập và định hướng tương lai.
Đầu tiên là vấn đề làm em và các bạn phải suy nghĩ nhiều nhất, đó là đề án tuyển sinh của các trường đại học. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào môi trường THPT, em tự xác định cho bản thân rằng, Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia là kỳ thi quan trọng nhất. Đối với em lúc đó, nó là con đường duy nhất để có thể vào được ngôi trường đại học yêu thích. Nói thật lòng, em đã nghĩ rằng: “Mình chỉ cần tập trung vào ba môn khối mà mình đã chọn thôi, những môn khác chỉ cần học để nắm vững kiến thức cơ bản là được”. Vâng, em luôn mang cái suy nghĩ nông cạn này đến đầu học kì 2 lớp 11. Em bắt đầu tìm hiểu về các trường đại học, em đọc rất kỹ đề án tuyển sinh từng năm; em cũng tiếp cận nguồn thông tin từ các anh chị lớp trên, và nhận ra rằng, không chỉ mỗi thi tuyển, mà còn rất nhiều phương thức, nhiều con đường khác để em cần phải quan tâm kĩ hơn. Nổi bật nhất như xét học bạ các kỳ, kết hợp IELTS hay HSG tỉnh. Nhìn vào điểm THPT QG năm 2021, em càng chắc chắn hơn, bản thân không thể chỉ nhìn mãi, không thể “chăm chăm” vào thi tuyển. Vậy nên, em đã tập trung học các môn khác hơn so với trước để em cải thiện học bạ. Nhìn một cách tổng quan, em đã có 2 con đường để bước, và em cảm thấy an tâm một phần nào đó về định hướng của bản thân.
Nhưng rồi, năm nay, các trường lại đổi mới về cách tuyển sinh. Rất nhiều kỳ thi khác bắt đầu phổ biến: Đánh giá năng lực của trường ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Sư Phạm HN, các trường an ninh; Đánh giá tư duy của BKHN. Điều này cũng đồng nghĩa, chỉ tiêu mà các trường dành cho Kỳ thi THPT QG sẽ ít hẳn đi. Năm nay, trường Đại học KTQD lấy 25-30% chỉ tiêu cho bài thi ĐGNL, nhưng chỉ lấy 10 - 15% chỉ tiêu cho Kỳ thi THPT QG. “Hoang mang” là hai từ diễn tả chính xác nhất tâm trạng của em khi đọc các đề án. Sau khi nhận được lời khuyên từ cô giáo chủ nhiệm và các bạn, em quyết định thi kỳ thi Đánh giá năng lực của đại học QG HN. Nhưng bài thi này không những phải thi 7 môn, mà còn đòi hỏi kiến thức rất rộng trải đều chương trình THPT ở mỗi môn. Cụ thể hơn, nếu kỳ thi THPT QG chỉ tập trung kiến thức phần lớn ở lớp 12 thì bài thi ĐGNL sẽ dàn trải cả 3 năm 10, 11, 12 và có luôn cả phần giảm tải, phần đọc thêm. Vì rộng nên nhiều lúc em không biết được rằng bản thân mình nên học cái gì, học từ đâu và học như thế nào để cân bằng thời gian giữa các môn hay các kì thi. Vì vậy, em mong thầy cô các bộ môn có thể đưa ra định hướng học cho bọn em ở từng môn. Trong những tiết ôn tập trên lớp, thầy cô sẽ đưa ra một số đề, kiến thức có liên quan để bọn em được tiếp cận rõ ràng hơn với những kỳ thi này.
Thứ hai, nói về Kỳ thi THPT QG, em rất khó để xác định mục tiêu cho bản thân. Năm 2021, điểm thi THPT QG rất cao. Điểm chuẩn của các trường đại học tăng đột biến (hầu như các trường đều tăng 1-2 điểm so với năm 2020). Điển hình, trường đại học Ngoại Thương Hà Nội lấy đầu vào ngành thấp nhất 28 điểm; KTQD là 27 điểm. Do vậy, em phải đặt mục tiêu điểm số của mình cao để phù hợp với điểm chuẩn năm 2021, vô hình chung, em sẽ gây áp lực cho chính mình. Chẳng hạn, em đặt mục tiêu cho mình là 27 điểm trong Kỳ thi để đỗ được Kinh tế Quốc dân, vậy trung bình mỗi môn em phải đạt 9 điểm. 9 điểm cho một môn không phải điều dễ dàng. Dẫu biết rằng, “có áp lực mới có kim cương” nhưng áp lực cũng có thể làm bọn em chán học, hoang mang và lo sợ. Em mong rằng, trong những tiết sinh hoạt cuối tuần, thầy cô chủ nhiệm sẽ đưa ra những lời khuyên về cách đặt mục tiêu sao cho phù hợp với bản thân học sinh.
Tiếp theo, bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bọn em chỉ có thể tiếp thu kiến thức hầu hết qua màn ảnh nhỏ. Bọn em không được tương tác trực tiếp với giáo viên bộ môn như ở trên lớp; môi trường online không kích thích được sự sáng tạo và chủ động của học sinh như học truyền thống; bọn em không có cơ hội trao đổi và học tập từ bạn bè,... Tất cả đã làm mất đi ít nhiều khả năng tiếp thu kiến thức của bọn em. Vì vậy, em mong rằng, ngoài thời gian học buổi sáng và chiều, nhà trường sẽ cho bọn em thời gian nhiều hơn để tự học cùng nhau ở trên lớp (có thể là thời gian sau buổi học thêm ở trường). Em tin rằng, ngoài học từ thầy cô, học từ bạn bè vẫn luôn là một phương pháp học hiệu quả, giúp bọn em nâng cao kiến thức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Cuối cùng, em mong muốn nhà trường sẽ có những buổi hướng nghiệp thực tế hơn. Bởi em cảm thấy những buổi hướng nghiệp nhà trường đã tổ chức vẫn còn một số hạn chế. Bản thân em rất ấn tượng với chương trình Hướng nghiệp và trải nghiệm mang tên:” Con đường khám phá nghề nghiệp” mà nhà trường đã tổ chức năm ngoái cho các bạn học sinh khối 10, 11. Trong buổi sáng hôm đó, hai cô diễn giả rất nhiệt tình, đem đến kiến thức cho bọn em rất hay, bổ ích. Nhưng sau buổi Hướng nghiệp hôm đó, em vẫn luôn mơ hồ về tương lai của chính bản thân. Em nghĩ rằng, lý do chính là bọn em “biết mình” nhưng không “biết người”. Em khám phá ra rất nhiều thứ như tính cách của em thuộc nhóm người như thế nào, con đường để chọn được nghề nghiệp phù hợp.... nhưng em lại không biết rằng, tính chất công việc của từng ngành nghề, nghề nghiệp như thế nào để cân nhắc một cách hợp lý về tương lai. Vậy nên, em có một đề xuất với nhà trường như sau: Nhà trường vẫn có thể tổ chức các buổi hướng nghiệp như trên, đồng thời, có một số buổi mời diễn giả nói về các ngành nghề (ví dụ: Ngành Kinh tế, Ngành Ngôn ngữ Anh,....). Trong tình hình dịch bệnh phức tạp khó lường trước, nhà trường có thể tổ chức online, phát trực tiếp qua page của Đoàn trường và các cổng thông tin chính thống của trường. Em nghĩ rằng, nhà trường có thể khảo sát và chọn ra những ngành nghề mà nhiều học sinh đề xuất nhất để tổ chức. Định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, em mong rằng nhà trường có thể cân nhắc hơn về đề xuất của em và giúp các bạn học sinh có cái nhìn tổng quan hơn về tương lai.
Hôm nay, em rất vinh dự khi được đại diện cho các bạn học sinh, nói lên nỗi niềm, trăn trở bấy lâu nay. Con đường phía trước của bọn em còn nhiều khó khăn, nhưng em tin rằng, sự nỗ lực, quyết tâm của chính mình cùng sự quan tâm đồng hành của thầy cô, nhà trường, bọn em sẽ làm được, sẽ chạm đến được mục tiêu, ước mơ mà bọn em hướng đến.
Em xin chân thành cảm ơn thầy cô, các bạn đã lắng nghe! Một lần nữa, xin chúc thầy cô, các bạn luôn có thật nhiều sức khoẻ và bình an trong mùa dịch! Em xin cảm ơn!!